|
Đỗ Duy Hiếu tốt nghiệp thủ khoa của Đại học Khoa học Tự nhiên với số điểm tổng kết xuất sắc 3,59/4. Ảnh: Hoàng Phương.
|
Năm 2006, khi đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiếu bị tai nạn khiến đôi chân không thể đi lại bình thường. Từ đó, anh phải gắn bó với đôi nạng gỗ.
Hiếu trở lại trường sau một năm điều trị. Ngày đầu đi học lại, ký túc xá cách giảng đường vài trăm mét trở nên quá xa xôi. Anh tập tễnh từng bước với đôi nạng gỗ, vài bước lại đứng nghỉ. Bạn bè đề nghị giúp đỡ nhưng Hiếu từ chối bởi suy nghĩ tự làm được điều gì thì sẽ cố gắng hết sức, không nhờ sự trợ giúp dễ sinh thói ỷ lại.
Chàng trai mang nhiều hy vọng với suy nghĩ mình vẫn còn trẻ, vài năm nữa sức khỏe sẽ khá hơn. Khi đó, anh sẽ trở thành kỹ sư góp phần chế tạo ra những con tàu lướt sóng đại dương. Nhưng sức lực đuối dần, Hiếu đành nghỉ học về quê điều trị tiếp và mở lớp dạy thêm tại nhà.
"Nghỉ học rồi, mình vẫn chưa bao giờ buông xuôi mà đã định hình luôn trong đầu cần phải làm gì tiếp theo", Hiếu chia sẻ. Anh làm hồ sơ thi Đại học Sư phạm nhưng không đủ điều kiện dự thi. Vậy là Hiếu thay đổi ý định, chuyển sang thi vào khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên với mong muốn viết tiếp ước mơ đến giảng đường.
Năm 2009, Hiếu trúng tuyển đại học với 27 điểm, bằng số điểm 4 năm trước khi dự thi Bách khoa. Cậu em trai Đỗ Duy Bốn đậu Đại học Kiến trúc Hà Nội với thành tích chẳng kém gì anh. Hai anh em khăn gói rời quê nhập học cùng một ngày.
Anh em Hiếu thuê phòng trọ ở khu vực chợ Phùng Khoang cho rẻ. Bất kể nắng mưa, Bốn chở anh trai đến trường bằng xe máy đi mượn rồi mới quay ngược xe đến lớp. Hôm nào anh em học lệch giờ, Hiếu lại ngồi đợi em. Mọi việc từ giặt giũ đến cơm nước, Bốn lo hết để anh trai có thời gian gia sư, kiếm thêm thu nhập. Hiếu mở lớp, nhận kèm cặp cho con em của những nhà xung quanh.
Bước vào năm thứ hai, anh tự mua được xe máy từ tiền dạy thêm và thuê thợ cải tạo thành xe ba bánh. Từ đó, Bốn không phải chở anh trai đến trường nữa. "Mình phục em, vừa đi học, vừa chăm anh nhưng vẫn giành giải ba Olympic Toán và giải khuyến khích Olympic Cơ của sinh viên", Hiếu nói về cậu em út sinh năm 1991 của mình.
Thấy hai con bươn chải để học hành, bố mẹ Hiếu bàn nhau rời quê ra Hà Nội đi làm và chăm sóc các con. Kiếm việc khó khăn, bà Trần Thị Nhì phải dọn hàng thuê, phụ cửa hàng phở, rửa bát... "miễn sao đó không phải là việc phạm pháp thì tôi làm" để nuôi con. Trải qua nhiều công việc vất vả, cuối cùng bà quạt bánh đa để bán ở đầu ngõ chợ Phùng Khoang. Một thời gian sau, ông Đỗ Duy Ngọc cũng gửi nhà cho hàng xóm trông, ra Hà Nội làm thợ cơ khí, phụ vợ nuôi con.
|
Vợ chồng bà Nhì phải bỏ quê ra Hà Nội đi quạt bánh đa, làm thợ cơ khí để chăm sóc hai con trai đi học. Ảnh: Hoàng Phương.
|
Không rời mắt khỏi chồng bánh đa quạt dở, bà Nhì rùng mình nhớ lại quãng thời gian cơ cực lúc con trai bị tai nạn. Đôi chân không còn lành lặn, Hiếu phải nằm sấp để ăn uống. Ra Hà Nội chăm con, ngày nào bà cũng đi bộ cách viện hơn 2 km để mua một suất cơm 3.000 đồng. Cơm mua về hai mẹ con nhường nhau, cuối cùng xẻ đôi mỗi người một nửa. Mẹ con vừa ăn cơm vừa chứa chan nước mắt. Sau này, nhà ăn bệnh viện bán cơm giá rẻ, đôi khi còn cho cơm miễn phí, giúp mẹ con Hiếu có thêm tiền để mua thuốc men.
"Ngày biết hai con trai thi đậu đại học, người khác có lẽ họ vui mừng không hết nhưng tôi nước mắt lưng tròng vì không biết lấy đâu ra tiền để nuôi con. Bố và cậu hai đứa quyết tâm cho đi, còn bảo sẽ làm đủ mọi việc để nuôi chúng thành tài. May sao trời chẳng lấy hết của ai bao giờ. Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Giờ tôi chỉ mong thằng út tốt nghiệp, ra trường có công việc ổn định là vợ chồng già về quê chăm sóc vườn tược, xa quê lâu quá rồi", bà Nhì bày tỏ.
Nhìn đôi tay mẹ phồng rộp vì quạt bánh đa, nghĩ đến người cha cựu chiến binh gần 60 tuổi vẫn phải đi làm thuê nuôi con ăn học, Hiếu chỉ biết cố gắng nhiều hơn. "Cố gắng không ngừng nghỉ để sống được và tăng cơ hội ra trường có việc làm tốt hơn. Người bình thường xin việc còn khó, huống chi sức khỏe yếu như mình càng phải ý thức rõ hơn điều đó", Hiếu tâm sự.
Nghị lực của chàng trai khiến cho cô bạn đồng hương cảm mến và đồng ý trở thành vợ anh. Hiếu và Sâm vốn là bạn học cùng trường phổ thông nhưng khác lớp. Sau đó, Sâm vào Nam nhưng họ thường viết thư cho nhau, kể mọi chuyện vui buồn quanh cuộc sống sinh viên. Những ngày nằm điều trị ở viện, nhận được thư Sâm khiến Hiếu được an ủi rất nhiều.
Cuối năm 2012, chị từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi và thăm anh. Một buổi tối đi dạo cùng nhau, Hiếu ngỏ lời với Sâm. Chị chỉ cười không nói. Từ ấy, hai người mặc định là người yêu của nhau. Gần một tháng sau, đôi bên tổ chức ăn hỏi để chị về làm vợ anh. Khi anh chị đưa ảnh cưới lên Facebook, bạn bè còn nghi ngờ họ ghép ảnh với nhau. Thầy cô, bạn bè cùng lớp cũng không tin Hiếu cưới vợ khi còn chưa tốt nghiệp đại học.
Dù biết anh từ trước, bố mẹ chị vẫn ngần ngại khi con gái kết hôn với chàng trai tàn tật. Chị thuyết phục: "Trên đời không ai hoàn hảo. Ngoài sức khỏe yếu thì anh chẳng có gì chê trách cả. Như vậy, bố mẹ có thể tin tưởng cả đời để giao con gái cho anh". Đám cưới của họ diễn ra đầu năm 2013 trong sự chúc phúc của người thân.
Căn nhà ba tầng nằm sâu trong khu tập thể công ty in Thanh Xuân (Hà Nội) là nơi tạm trú của gia đình mấy năm qua. Nhà thuê lại còn chưa sửa xong, tường trát vôi nham nhở. Để đỡ tiền nhà, Hiếu cho sinh viên thuê lại tầng trên, còn vợ chồng anh ở trong căn phòng nhỏ dưới tầng 1, bên ngoài kê tấm bảng và mấy bàn học cũ cho những học trò mà anh làm gia sư.
|
Chị Sâm chia sẻ niềm vui với chồng trong ngày anh tốt nghiệp. Ảnh:NVCC.
|
"Học cùng và quen nhau gần chục năm trời không yêu, chỉ một câu nói đã thành đôi. Bọn mình không hề có quãng thời gian mà người ta vẫn gọi là hẹn hò lãng mạn. Có lẽ hai bên quen nhau lâu, hiểu anh rồi nên dễ đồng cảm và thấu hiểu nhau nên mình mới đồng ý nhanh thế", chị Sâm kể.
Chị vẫn đùa "coi như mình lấy một anh chồng lười thôi", mặc dù anh không lười mà còn rất chăm chỉ giúp vợ việc nhà. Nghe chị nói, anh phân trần: "Chồng em không bài bạc, không rượu chè, không phải quản lý, đi làm hết giờ là về nhà, chỉ ham mê Toán học và phim hoạt hình".
Nhắc đến Toán học, Hiếu tâm sự, lòng tốt của thầy cô, bạn bè tiếp sức cho anh đến trường, làm bạn với Toán học. Hiếu kể, cô giáo chủ nhiệm Trịnh Dục Tú luôn tìm cách để lớp được học ở tầng 1, gần nơi gửi xe nhất để anh đỡ vất vả. Bạn bè người xách cặp, người dìu anh vào lớp những ngày trái gió trở trời, vết thương lên cơn đau. Còn thầy Lê Anh Vinh, PGS.TS trẻ nhất Việt Nam là người đầu tiên dạy cách nghiên cứu Toán học cho Hiếu và các công trình nghiên cứu khoa học của anh đều do thầy hướng dẫn.
Công việc ở Viện Toán học với mức lương hơn 3 triệu đồng mỗi tháng không đủ trang trải cuộc sống. Chàng thủ khoa nghèo duy trì đều đặn lớp học gia sư 5 buổi mỗi tuần tại nhà cho học sinh từ lớp 1 đến THPT. Hiện tại, Hiếu mới nhận được lời mời dạy học của trường Olympia. Sắp tới, ngoài thời gian làm việc chính trên viện, anh sẽ dạy mỗi tuần vài buổi để thỏa mãn niềm đam mê truyền kiến thức cho học sinh.
Để có thể đứng vững, Hiếu chia sẻ không có bí quyết gì ngoài sự cố gắng. Anh kể những tháng năm làm bạn với đôi nạng gỗ đến giảng đường, có người bạn đã nói với anh: "Nếu bị như mày chắc tao chết mất". Hiếu chỉ cười hiền, đáp lời bạn: "Chết làm sao được, vẫn phải sống và chiến đấu tiếp thôi".
Hoàng Phương